Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Đức Thánh hạnh

là Mười hai Đức:

1- Như Lai (có nghĩa là vì theo con đường như thật đi tới mà thành Chánh Giác. Như Lai cũng có nghĩa là bậc tu hành đã xong, không còn tái sinh trở lại cuộc đời này nữa tức là đã làm chủ sinh, tử và chấm dứt luân hồi.

Như Lai là “Đức Thánh Không Đến Không Đi”),

2- A La Hán (có nghĩa là giết giặc phiền não, bất sanh mãi mãi ở trong Niết bàn, xứng đáng nhận sự cúng dường của Trời Người. Bậc A La Hán là bậc đã thoát khỏi phiền não, được tự do tự tại, hoàn mỹ về mặt đạo lý, làm chủ được tư tưởng của mình, biết hết tất cả, có đủ sáu pháp huyền diệu, không phải chịu quả báo sống chết lần thứ hai.

Danh hiệu này Đại Thừa cho là còn thấp kém chỉ là quả cao nhất của Tiểu Thừa. A La Hán còn gọi là “Đức Thánh Vô Lậu” không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh),

3- Ứng Cúng (là bậc đã xa lìa mọi điều ác, xứng đáng được hưởng thọ sự cúng dường của Người, Trời.

Bậc đầy đủ phước báu không ai hơn. Ứng Cúng là đức hạnh xa lìa những điều ác xứng đáng là nơi phước báu vô lượng để chúng sanh Trời Người cúng dường, nên gọi là “Đức Thánh Phước Điền”),

4- Chánh Biến Tri (là chánh trí biết rõ mọi pháp như thật.

Chánh biến tri còn có nghĩa là trí hiểu biết chân chánh không bị tà pháp, tà kiến, tưởng kiến, tà giáo lừa đảo, trí hiểu biết vượt ra khỏi sự hiểu biết trong khuôn khổ nề nếp phong tục, tập quán và các hệ tư tưởng của các tôn giáo trên thế gian này.

Chánh Biến Tri còn gọi là “Thánh Hạnh Liễu Tri”),

5- Minh Hạnh Túc (là bậc có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh. ¨ Trí Tuệ gồm đủ có ba: - Ý thức tuệ, - Tưởng thức tuệ, - Tam minh tuệ. Tam Minh Tuệ gồm có ba: - Vô thời gian tuệ, - Vô không gian tuệ, - Vô lậu tuệ.

¨ Thánh đức gồm có bốn: Đức từ, Đức bi, Đức hỷ, Đức xả..¨ Thánh hạnh gồm có năm hạnh: Thắng hạnh, Chánh hạnh, Trực hạnh, Diệu hạnh, Tịnh hạnh,

6- Thiện Thệ (là bậc đã tu tập hoàn thành con đường Bát Chánh Đạo, bậc đã làm xong các hạnh lành, không còn trở lui về ác pháp và cuộc đời này nữa.

Thiện Thệ còn gọi là “Thánh hạnh tự tại sinh tử”,

7- Thế Gian Giải là giải thích rõ các pháp trong thế gian, không còn pháp nào mà không giải thích được. Thế gian giải có nghĩa là bậc thông suốt tất cả các pháp thế gian, có thể hiểu rõ các lý và sự của loài hữu tình và vô tình.

Thế Gian Giải còn gọi là “Thánh hạnh giải thông suốt các pháp thế gian”,

8- Vô Thượng Sĩ là bậc cao hơn hết trong các hàng chúng sanh. Một con người làm chủ tột đỉnh giải thoát, không còn có sự giải thoát nào cao hơn nữa.

Vô thượng sĩ còn gọi là “Thánh hạnh giải thoát cao nhất”,

9- Điều Ngự Trượng Phu là bậc điều khiển được mình và tất cả chúng sanh tức là bậc đã làm chủ được mình và tất cả các pháp, nói một cách dễ hiểu hơn là bậc tâm đã bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Điều Ngự Trượng Phu còn gọi là “Thánh hạnh nhiếp phục các pháp và các cảm thọ”,

10- Thiên Nhơn Sư là bậc Thầy của Trời, Người. Dạy cho Trời, Người những gì nên làm và những gì không nên làm. Thiên Nhân Sư còn gọi là “Đức Thánh Thầy Trời, Người”,

11- Phật là bậc giải thoát hoàn toàn, bậc Giác Ngộ.

Phật còn gọi là “Đức Thánh Giác Ngộ”,

12- Thế Tôn là bậc cao hơn hết trong cõi Trời, Người, được tất cả Trời, Người đều tôn kính trọng. Thế Tôn còn gọi là “Đức Thánh tôn kính”.

Gợi ý